Cuộc đua giữa các ngân hàng về thanh toán qua mã QR

Sự thay đổi với tốc độ chóng mặt của hệ sinh thái thanh toán đòi hỏi các biện pháp bảo mật mới...

Sự phát triển của thanh toán điện tử nói chung và thanh toán di động nói riêng tính đến thời điểm hiện nay là nhờ có hệ sinh thái 4 trụ kiềng "Nhà nước - Ngân hàng - Doanh nghiệp - Khách hàng".

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử; góp phần tạo ra các phương thức thanh toán tiên tiến, phù hợp với xu thế của thời đại, rút ngắn thời gian thanh toán, chu trình luân chuyển vốn; góp phần giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán. 

Hiện, hầu hết các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ABBANK, SCB, IVB, NCB, SHB, Maritime Bank, VIB... đều đã đồng loạt tích hợp giải pháp thanh toán qua mã QR (QR Pay) trên ứng dụng di động. 

Cuộc chạy đua về dịch vụ thanh toán qua QR code cho thấy sự chuyển dịch của làn sóng Fintech trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời khẳng định nỗ lực đột phá của các ngân hàng để đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.

Theo thống kê, số lượng thanh toán qua di động trong năm 2017 đạt 110 triệu giao dịch thanh toán. Con số này cho thấy niềm tin rất lớn của khách hàng vào phương thức thanh toán này. 

Dự báo, với sự thông thoáng về chính sách, nội lực mạnh mẽ của các doanh nghiệp và sự cộng hưởng của toàn xã hội, thanh toán di động sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ tại Việt Nam.

Điển hình phương thức thanh toán điện tử mới, hiện đại, tiện lợi, mã QR (QR Pay) đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và thế giới. 

Với việc bổ sung tính năng thanh toán QR Pay, không chỉ ngân hàng mà ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí, đồng thời hạn chế nhầm lẫn trong thanh toán và hoạt động kiểm kê. Qua đó, doanh nghiệp và ngân hàng có thể kết nối liên thông với nhau, tạo dựng một hệ sinh thái mà khách hàng là trọng tâm.

Dưới góc độ khách hàng, lợi ích lớn nhất của QR Pay là tính linh hoạt, thuận tiện và dễ dàng. QR Pay đơn giản chỉ gói gọn vài bước cơ bản: đăng nhập vào ứng dụng di động của ngân hàng, chọn tính năng QR Pay, dùng điện thoại quét mã QR của cửa hàng, nhập số tiền và xác minh để hoàn tất giao dịch. 

Xét về độ bảo mật, việc sử dụng QR Pay không chỉ giảm thiểu tối đa hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc tiền mặt qua 2 lớp bảo mật mà còn thuận tiện trong việc cài đặt.

Bên cạnh các ví điện tử MoMo, Payoo, chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động kể từ tháng 9/2017, Samsung Pay đã nhận được gần 400.000 lượt người dùng đăng ký và 500.000 giao dịch thành công, nâng tổng giá trị giao dịch lên đến 350 tỷ đồng. 

Tính đến thời điểm này, đã có 15 ngân hàng và 3 tổ chức chuyển mạch thẻ tham gia kết nối Samsung Pay, chiếm 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa. 

Ngoài thẻ ATM nội địa NAPAS của ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, Shinhan Bank, ABBank, Agribank, Techcombank, TPBank, SeABank, Ngân hàng Woori Việt Nam; còn có thẻ quốc tế Visa và Mastercard của Vietinbank, Citibank, Shinhan Bank, Sacombank, TP Bank, Maritime Bank, Ngân hàng Sài Gòn (SCB), FE Credit... 

Vừa qua, Samsung cũng giới thiệu những tính năng mới cho phép người dùng có thể thực hiện các thanh toán di động qua thao tác với đồng hồ thông minh Gear S3.

Chính phủ Thái Lan gần đây đã có biện pháp mạnh mẽ phát triển không tiền mặt ở nước này. Hiện thanh toán điện tử ở Thái Lan (kể cả thanh toán di động) dự kiến sẽ tăng từ 68,2 tỷ Baht trong năm 2015 lên 143 tỷ vào năm 2020. 

Tại Indonesia, người dân bỏ qua thẻ tín dụng để chuyển sang thanh toán bằng di động. Hãng nghiên cứu FT Confidential Research (FTCR) cho rằng, sự phát triển rộng rãi của hình thức thanh toán qua di động đang thách thức vị thế của thẻ tín dụng tại khu vực Đông Nam Á.

Khảo sát của Visa trong năm 2017, xét về doanh số sử dụng, thị trường châu Á -Thái Bình Dương có giá trị tương đương 11 nghìn tỷ USD. Hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch tại đây vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc vẫn còn 6,1 nghìn tỷ USD có tiềm năng chuyển đổi thành các giao dịch điện tử.

Ông Joe Cunningham, Giám đốc Quản lý rủi ro của Visa tại châu Á -Thái Bình Dương cho biết: ngoài việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm thanh toán cho người tiêu dùng, vấn đề bảo mật và đảm bảo tính minh bạch của hệ thống thanh toán chính là chìa khóa phát triển ngành thương mại. 

Sự thay đổi với tốc độ chóng mặt của hệ sinh thái thanh toán đòi hỏi các biện pháp bảo mật mới không làm ảnh hưởng đến sự tiện lợi cho khách hàng và các đơn vị bán hàng.
Theo Hồng Vinh,
VnEconomy

0979.111.961